Chuyển đổi là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay nếu như không muốn bị đánh bật ra khỏi thị trường. Thực tế thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn còn lúng túng, mơ hồ giữa các khái niệm Số hóa và Chuyển đổi số. Trong bài viết này Eastern Sun sẽ giúp anh/chị phân biệt:
I. Khái niệm về Số hóa và Chuyển đổi số
1. Số hóa là gì?
Số hóa bao gồm Số hóa dữ liệu (Digitization) và Số hóa quy trình (Digitalization), trong đó:
– Số hóa dữ liệu là hình thức chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý hay analog sang định dạng kỹ thuật số.
+ Ví dụ 1: anh/chị scan giấy tờ bản cứng chuyển thành file bản mềm trên điện thoại, máy tính; hay báo cáo giấy chuyển thành báo cáo qua file Word, PDF.
– Số hóa quy trình là việc sử dụng các dữ liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số để cải thiện quy trình vận hành và kinh doanh
+ Ví dụ 2: Doanh nghiệp sử dụng các phần mềm riêng lẻ như Phần mềm kế toán, Phần mềm quản lý và chăm sóc khách hàng (CRM),… để tối ưu hóa quy trình làm việc của một phòng ban cụ thể, từ đó thu thập và phân tích dữ liệu thời gian thực.
Như vậy, có thể thấy Số hóa dữ liệu là tiền đề để hướng tới số hóa quy trình từ đó quy trình vận hành doanh nghiệp trở nên nhanh hơn, bớt cồng kềnh hơn nhờ sức mạnh của Số hóa.
2. Chuyển đổi số?
Chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi quản trị từ mô hình truyền thống sang mô hình nền tảng số.
Cụ thể là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc độ của các hoạt động kinh doanh.
+ Ví dụ 3: Doanh nghiệp sản xuất cơ khí sử dụng giải pháp phần mềm ERP trong toàn bộ hoạt động sản xuất, mua hàng, bán hàng, quản lý kho, quản lý nhân sự, kế toán, quản lý tác nghiệp, quản lý văn bản và tài sản. Lúc này toàn bộ hoạt động, dữ liệu được liên kết, liên thông giữa các bộ phận, các công đoạn theo quy trình chuẩn từ đó giúp tăng hiệu quả, hiệu suất công việc, tối ưu trải nghiệm khách hàng và giúp Ban lãnh đạo đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời.
II. Điểm giống và khác nhau giữa Số hóa và Chuyển đổi số
Số hóa giống Chuyển đổi số ở khía cạnh áp dụng công nghệ nhằm cải thiện quy trình vận hành của doanh nghiệp. Những công nghệ được áp dụng có thể đơn giản như Ví dụ 1 đến phức tạp như Ví dụ 2 ứng dụng các công nghệ mới như IOT (kết nối thiết bị vật lý và phần mềm công nghệ thông qua internet), AI (trí tuệ nhân tạo),…
Số hóa và Chuyển đổi số khác nhau ở yếu tố con người và giá trị bền vững. Khác với Số hóa, Chuyển đổi số không đơn giản chỉ đòi hỏi doanh nghiệp áp dụng thật nhiều công nghệ tiên tiến vào quy trình vận hành.
– Đầu tiên, bản thân quy trình làm việc và toàn bộ đội ngũ nhân lực từ bậc lãnh đạo đến các cấp nhân viên phải được “cải tạo” lại để trở nên linh hoạt hơn, thành thục về việc sử dụng ứng dụng công nghệ làm đòn bảy trong quản trị vận hành. Theo McKinsey, 4 trong 5 phẩm chất của những doanh nghiệp Chuyển đổi số thành công nằm ở yếu tố con người: chủ trương lãnh đạo, bồi dưỡng năng lực, động viên nhân viên, giao tiếp trong doanh nghiệp và cuối cùng mới là nâng cấp công nghệ.
– Thứ hai, Chuyển đổi số là một nỗ lực cần được lên kế hoạch chi tiết và cần sự quyết tâm, cam kết của Ban lãnh đạo, đội triển khai dự án cũng như cán bộ nhân viên. Không như Số hóa, Chuyển đổi số không thể hoàn thiện chỉ trong một dự án đơn lẻ. Do vậy, có thể nói một lộ trình Chuyển đổi số sẽ bao gồm nhiều dự án Số hóa đồng bộ, liên thông trên cùng một hệ thống. Ngoài ra, tính bền vững của Chuyển đổi số còn thể hiện ở nhiều yếu tố khác như việc tích hợp các công nghệ với nhau và việc đáp ứng đúng và đem lại nhiều giá trị hơn từ đó tạo trải nghiệm tuyệt vời cho Khách hàng của doanh nghiệp.
Nếu coi Số hóa dữ liệu và Số hóa quy trình là bước thứ nhất và thứ hai. Chuyển đổi số sẽ là bước thứ ba trong công cuộc bứt phá của doanh nghiệp trong nền kinh tế 4.0.
Chúc quý doanh nghiệp Chuyển đổi số thành công.